Châu Thành tiến đến xây dựng huyện nông thôn mới
18/09/2023
Với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thời gian qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Châu Thành đã tập trung cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Qua đó, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả tích cực. Châu Thành quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn huyện NTM trước năm 2025.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa khang trang
Xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, được thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa -hiện đại hóa, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Với tiền đề là huyện văn hóa giai đoạn 2006 - 2010, thời gian qua, Châu Thành đã phát huy mạnh mẽ truyền thống huyện anh hùng, trên địa bàn huyện có 02 khu công nghiệp: An Hiệp, Giao Long và 01 cụm công nghiệp Long Phước, tạo động lực phát triển nhanh về kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tiếp tục ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng nhanh.
Tình hình sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả và giá trị trên đơn vị diện tích. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đạt 12.664 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3,05%/năm, giá trị sản xuất năm 2022 đạt 3.847 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất canh tác nông nghiệp (năm 2022) đạt 247 triệu đồng/ha, giá trị tăng thêm 97 triệu đồng/ha so với năm 2015. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo hướng tập trung chuyên canh, an toàn phù hợp với lợi thế của từng vùng, diện tích trồng cây ăn trái chất lượng cao tăng. Huyện đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; hình thành mô hình nông nghiệp gắn với du lịch và thị trường tiêu thụ; từng bước hoàn thiện và nâng cao chuỗi giá trị chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện (bưởi da xanh, chôm chôm, cây dừa và con heo).
Huyện đã thực hiện có hiệu quả các kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; cùng với đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từng bước hình thành vùng trồng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản như: dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm. Giá trị sản xuất tăng bình quân là 2,51%/năm; sản lượng trái cây các loại hàng năm từ 80.000 - 90.000 tấn. Đến cuối năm 2022, tổng diện tích đất trồng các loại cây ăn quả là 15.872 ha (trong đó: cây dừa 8.028 ha; cây ăn quả 7.845 ha); chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp điều kiện cụ thể. Chủ yếu chăn nuôi quy mô kinh tế hộ, bước đầu phát triển theo hướng gia trại, trang trại trong những năm gần đây. Năm 2022, toàn huyện có 234 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó: Nuôi thâm canh 46ha; (hầu hết nuôi cá da trơn xuất khẩu), nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến 187 ha; nuôi lồng bè 57.000 m3;sản lượng nuôi trồng đạt 38.834 tấn.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn huyện có 02 khu công nghiệp: Giao Long và An Hiệp đã hoàn thiện hạ tầng và hoạt động ổn định; cụm công nghiệp Long Phước đã có 02 dự án đi vào hoạt động, tạo ra tổng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) là 86.349 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 4.057 triệu USD và giải quyết việc làm cho 36.500 lao động.
Hạ tầng thương mại nông thôn đang từng bước được đầu tư và phát triển, các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, các trạm dừng chân, hệ thống phân phối, buôn bán lẻ trên địa bàn tăng nhanh về số lượng và quy mô. Ngành du lịch của huyện dần phục ổn định, nhất là du lịch sinh thái miệt vườn, tận dụng được lợi thế của địa phương và góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho khu vực nông thôn từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện có 53 doanh nghiệp/hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, đã tiến hành đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 300km quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn, hoàn thành 102 cây cầu bê tông cốt thép lớn nhỏ; hệ thống cống thủy lợi và đê bao trên các nhánh sông lớn đang được khép kín; các công trình cấp điện, cấp nước được đầu tư nâng cấp; hạ tầng thương mại, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục được chú trọng đầu tư; diện mạo nông thôn ngày càng phát triển, thay đổi rõ nét.
Những kết quả trên cho thấy, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong huyện đã tập trung thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM một cách đồng bộ, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân, vai trò chủ thể người dân được phát huy.Tất cả là tiền đề để Châu Thành tiến đến xây dựng thành công huyện NTM trước năm 2025. Vì thế, ngoài huy động nội lực, sự đoàn kết chung sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Châu Thành đang tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí, từ sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương để hoàn thiện và đồng bộ các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân.
Trúc Lan
