Cẩn trọng khi đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật trên mạng xã hội

10/10/2022

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, là môi trường để mọi người có thể giao tiếp, chia sẻ, liên lạc với nhau một cách dễ dàng. Đặc biệt với các mạng xã hội lớn như Facebook, TikTok, Zalo, Instagram…người dùng có thể tiếp cận, theo dõi các xu hướng, tin tức, thời sự hàng ngày… Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội dẫn đến những vấn đề đáng chú ý liên quan an ninh trật tự (ANTT). Không ít người dùng đăng tải các bài viết có nội dung sai sự thật, xúc phạm uy tín cơ quan, danh dự, nhân phẩm cá nhân, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Lực lượng chức năng làm việc đối tượng Đ.V.T.

Lực lượng chức năng làm việc đối tượng Đ.V.T.

 

Cẩn trọng trước khi đăng tải, chia sẻ thông tin

 

Trong quý III năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh (viết tắt Phòng An ninh mạng) đã phát hiện 18 tài khoản mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook, TikTok, Zalo) đăng tải, bình luận, chia sẻ thông tin sai sự thật. Qua đó, đã đấu tranh, giáo dục, răn đe 16 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 2 đối tượng với tổng số tiền trên 12 triệu đồng.

 

Đáng chú ý, vào ngày 11-7-2022, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện bài viết có nội dung: “muốn bỏ lỗi quá tải khi qua trạm cân cầu Rạch Miễu thì tài xế phải lót tay 500.000 đồng”. Xác định đây là thông tin chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng uy tín của cơ quan, tổ chức, Phòng An ninh mạng đã tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc. Qua đó, xác định người đăng tải bài viết là Đ.V.R (sinh năm 1983, ngụ tại huyện Châu Thành). Tại cơ quan Công an, đối tượng thừa nhận việc đăng tải thông tin sai sự thật trên chỉ nhằm mục đích câu like, câu view. Phòng An ninh mạng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của đối tượng số tiền 5 triệu đồng và yêu cầu xóa bài viết vi phạm.

 

Hay vào ngày 18-8-2022, trên bài viết của trang “Tin Nhanh Bến Tre” đăng tải nội dung liên quan đến việc tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường gần chân cầu Rạch Miễu xuất hiện 1 tài khoản bình luận với nội dung: “quan chức ăn hối lộ của dân no nê” làm ảnh hưởng uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, tạo dư luận không tốt, Phòng An ninh mạng đã vào cuộc xác minh. Qua đó, xác định đối tượng đăng tải bình luận là Đ.V.T (sinh năm 1991, ngụ tại huyện Giồng Trôm). Qua làm việc, đối tượng thừa nhận hành vi sai trái và cam kết không tái phạm. Phòng An ninh mạng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên số tiền 5 triệu đồng.

 


Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự      

 

Theo Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 ghi nhận mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng đảm bảo các quyền, lợi ích khác của các nhân như: quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; bí mật cá nhân và gia đình; quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm… Vì vậy, hành vi đăng tải, chia sẻ, bình luận có nội dung chưa được kiểm chứng, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm mất uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Về xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm có thể bị xử lý theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội với số tiền từ 3 - 5 triệu đồng; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với số tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.

 

Về xử lý hình sự, hành vi trên nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 về tội làm nhục người khác; Điều 156 về tội vu khống; Điều 117 về tội làm, tàng trữ, phát tán tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Bộ luật Hình sự.

 

Trên thực tế, có nhiều người lầm tưởng rằng mạng xã hội là “ảo”, tuy nhiên sự thật lại trái ngược hoàn toàn khi mà các hành vi của các chủ thể được thực hiện trên không gian mạng là “thật”, xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ thể và đều có mục đích tác động đến một đối tượng nào đó. Vì vậy, mọi hành vi của các chủ thể trên mạng xã hội đều có tác động ảnh hưởng nhất định đến trật tự, an toàn xã hội giống như đời thực, thậm chí còn để lại hậu quả nặng nề hơn bởi những tính năng vượt trội của mạng xã hội như: thời gian truyền tải thông tin nhanh chóng, tiếp cận đến nhiều người và có thể tham gia bình luận, chia sẻ lại bài viết của chủ thể đăng tải.

 

Mỗi người khi sử dụng mạng xã hội cần phải tỉnh táo, tự chắt lọc nội dung trước khi đăng tải, chia sẻ các thông tin. Nên nhớ rằng “mạng xã hội là ảo nhưng chế tài xử phạt là thật”. 

 

Nguồn: baodongkhoi.vn