Cần rà soát những dự án không đủ điều kiện thì thu hồi để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư.

07/11/2024

Chiều ngày 04/11/2024, bên lề Kỳ họp 8 (đợt 1), Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã có buổi trao đổi với Phóng viên Kênh truyền hình Quốc hội về một số nội dung liên quan đến vấn đề tăng trưởng kinh tế và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre (trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình Quốc hội)

Phóng viên đặt vấn đề về tăng trưởng kinh tế:

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Bến Tre: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025, trong đó mục tiêu đưa ra về tăng trưởng kinh tế năm 2025 tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 – 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%, đại biểu cho rằng, với mục tiêu này, chúng ta có thể đạt được nhưng với những điều kiện và giải pháp thật sự phải quyết liệt và mạnh mẽ như:

Thứ nhất, phải tháo gỡ nút thắt về thể chế: hiện nay, Chính phủ đang đề nghị với Quốc hội về phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố vì đây là phương thức quản lý nhà nước hiện đại và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc phân cấp, phân quyền thể hiện rõ qua những chính sách: thẩm quyền đề xuất, thẩm quyền phê duyệt, thẩm quyền triển khai thực hiện... Trong quá trình thực hiện các luật mới như: Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật nhà ở, Luật đất đai và các luật khác tác động mạnh đến thị trường, nhất là thị trường bất động sản, tiền tệ, trái phiếu cũng như các loại hình phục vụ cho phát triển Doanh nghiệp phục hồi thị trường, theo đại biểu chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong hoạt động của Nhà nước, của chính quyền các cấp.

Thứ hai, với vai trò của địa phương, phải đi kèm với năng lực thực thi: khi chính sách đã phân cấp cho địa phương thì địa phương làm địa phương sẽ chịu trách nhiệm, như phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, phải được thực thi một cách khoa học, có trọng tâm trọng điểm. Đồng thời, đại biểu đề cao trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, một trong những động lực để tăng trưởng đó là phải tìm ra giải pháp tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bởi vì, việc phục hồi của Doanh nghiệp vẫn còn chậm, như số Doanh nghiệp thành lập mới, Doanh nghiệp giải thể, Doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng như số Doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đại biểu thấy số lượng này trong năm 2024 còn rất nhiều.

Do đó, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho các Doanh nghiệp này, như: cần quan tâm hơn nữa thị trường vốn, sao cho Doanh nghiệp hấp thu và đưa vào sản xuất kinh doanh, đến khi các Doanh nghiệp có điều kiện để xuất khẩu thì nhà nước phải có những Chương trình, Dự án hỗ trợ quyết liệt cho Doanh nghiệp, khi Doanh nghiệp xuất khẩu được đó cũng là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng kinh tế...

Phóng viên đặt vấn đề về phòng, chống lãng phí:

Phòng, chống lãng phí cần được coi là “giặc nội xâm” và có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm được chỉ đạo, triển khai quyết liệt trong thời gian tới. 

Theo đại biểu Trúc Sơn thì đó là các dự án từ vốn đầu tư công và vốn đầu tư từ doanh nghiệp, phải đưa được các dự án này vào hoạt động, khi chúng ta quyết định đầu tư rồi thì phải triển khai nhanh, khi đã hoàn thành phải đưa vào sửa dụng. Hiện nay, rất nhiều địa phương còn nhiều dự án có vốn đầu tư công và vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải thực sự rà soát những dự án nào không đủ điều kiện thì chúng ta phải thu hồi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư...

 

 

Hồng Yến