Bình Đại tập trung phát triển kinh tế thủy sản bền vững

22/04/2024

Là một huyện biển của tỉnh, với ưu thế có hơn 27km đường bờ biển, Bình Đại xác định kinh tế thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bình Đại.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bình Đại.

 

Huyện đã quy hoạch vùng nuôi tập trung và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân. Quý I-2024, giá trị sản xuất ngành nông, lâm và thủy sản của huyện tăng 5%, đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế chung của huyện và nâng cao thu nhập người dân.

 

Hàng năm, huyện duy trì diện tích nuôi thủy sản trên 18.000ha, chủ yếu là nuôi tôm, với nhiều hình thức, như: nuôi thâm canh và bán thâm canh, nuôi xen rừng, nuôi tôm - lúa, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ứng dụng công nghệ cao (CNC). Trong đó, nuôi ứng dụng CNC được đánh giá là hình thức nuôi giảm thiểu rủi ro, hiệu quả cao được chú trọng và có chiều hướng phát triển tốt. Hiện toàn huyện đã phát triển diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC là 1.551ha, tại các vùng nuôi tập trung thuộc các xã: Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc. Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 90.101 tấn.

 

Đánh bắt thủy sản phát triển mạnh theo hướng khai thác xa bờ, duy trì tổng số tàu 1.166 chiếc, trong đó 580 tàu đánh bắt xa bờ. Mô hình tổ, đội liên kết khai thác thủy sản phát huy tốt trong việc hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Đa số tàu chấp hành tốt các quy định về đánh bắt hải sản. Đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp tàu cá khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Huyện đã cấp phép 253 tàu khai thác, cấp giấy đăng kiểm 119 tàu cá và có 566 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Năm 2023, sản lượng khai thác hải sản của huyện đạt trên 65.000 tấn, với nhiều sản phẩm có giá trị như: mực, cá đuối, cá thu, cá mú…

 

Cùng với việc đẩy mạnh nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nghề chế biến hải sản được duy trì và phát triển trong các hộ dân và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu là tôm khô, cá khô các loại, mắm tôm chua…

 

Thực hiện kế hoạch phát triển nuôi thủy sản năm 2024 gắn với chủ trương phát triển kinh tế hướng Đông của tỉnh, huyện phấn đấu duy trì và phát triển giữ mức tổng diện tích nuôi thủy sản 18.200ha, tổng sản lượng nuôi đạt 90.000 tấn. Trong đó, tiếp tục nhân rộng và phát triển diện tích nuôi tôm biển ứng dụng CNC tập trung tại các vùng có điều kiện trên địa bàn huyện đạt 1.751ha. Đặc biệt, phấn đấu xây dựng cơ bản chuỗi giá trị tôm biển liên kết được đầu vào và đầu ra cho sản phẩm tôm biển, tăng năng suất, giá trị con tôm. Duy trì đoàn tàu đánh bắt theo hướng xa bờ và không tăng thêm số lượng tàu.

 

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nuôi, vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, đất sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Trong đó, xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC tập trung tại các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức… đạt diện tích 2.000ha đến năm 2025. Đẩy mạnh và nâng cao sản lượng đánh bắt. Củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ thủy sản theo chuỗi giá trị. Tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản…”.

(Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Huỳnh Văn Mai)

 

Nguồn: baodongkhoi.vn