Bến Tre tập trung bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
30/09/2022
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế phát triển với cơ cấu hợp lý; văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế - xã hội là nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm.
Ô nhiễm nguồn nước trong kênh rạch nội ô thành phố Bến Tre.
Các kênh rạch trong nội ô thành phố Bến Tre, thị trấn các huyện có dấu hiệu ô nhiễm do tiếp nhận nguồn nước thải từ sinh hoạt đô thị chưa được thu gom xử lý. Tình hình xả thải từ các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, chăn nuôi nông hộ, nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao … ở một số nơi chưa được kiểm soát tốt dẫn đến việc ô nhiễm môi trường. Huyện Giồng Trôm hiện có số lượng lò đốt than gáo dừa nhiều nhất tỉnh với khoảng 500 lò, hầu hết các cơ sở hoạt động đều có hệ thống xử lý khói thải, tuy nhiên, phần lớn các hệ thống này đều không vận hành hoặc vận hành để đối phó với các đoàn kiểm tra. Trong quá trình đốt than, các cơ sở thường xuyên mở các miệng lò, từ đó khói thải thoát ra nhiều.Thực tế, một vài cơ sở có đầu tư hệ thống xử lý khói, bụi tuy nhiên đa phần là tự chế. Chủ cơ sở không đủ năng lực hoặc ngại đầu tư công nghệ hiện đại do chi phí cao.
Hiện nay, tỉnh gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật gây mất vệ sinh. Hầu hết các bãi chôn lấp rác đều quá tải, gây ô nhiễm; tỉnh khó khăn trong việc tìm quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác ngày càng tăng. Tỉnh chưa áp dụng công nghệ xử lý rác đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xử lý rác thải chưa hiệu quả. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân về bảo vệ môi trường về rác thải, phân loại, bỏ rác đúng nơi quy định chưa tốt. Dự báo nếu không có biện pháp hiệu quả tăng cường công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt thì vấn đề ô nhiễm rác thải sẽ phức tạp hơn trong thời gian tới.
Các ngành chức năng tỉnh đang tập trung thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 tỉnh triển khai thực thi có hiệu quả Luật bảo vệ môi trường 2020, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường thành phần (nước, đất, không khí), kiểm soát chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định. Kiểm soát các nguồn xả thải vào môi trường nước, có trên 95% các cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định đạt trên 90%.
Các khu công nghiệp, đô thị và thương mại đầu tư mới phải hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động chính thức; phấn đấu có 02 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, 02 khu đô thị (thành phố Bến Tre, thị trấn Châu Thành) xây dựng được hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý chất thải y tế, triển khai kế hoạch mô hình xử lý rác thải y tế theo phân cụm, duy trì 100% nước thải và rác thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Xử lý rác tại Nhà máy xử lý rác Thạnh Phú.
Quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý rác thải của tỉnh, xử lý và hạn chế được ô nhiễm do rác thải sinh hoạt; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị đạt 95%, nông thôn 70%; phân loại rác thải tại nguồn chiếm tỷ lệ 70%’ tỷ lệ rác thải nhựa được thu gom, tái chế chiếm tỷ lệ trên 50%. Tỷ lệ sử dụng túi nilông, bao bì thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên 90%, tỷ lệ các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch khách sạn không sử dụng túi ni long, nhựa khó phân hủy trên 90%. Thực hiện tiêu chí về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, năm 2025 có 100% xã đạt tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường, 46/142 xã đạt tiêu chí bảo vệ môi trường nâng cao. Trên địa bàn tỉnh tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 99,6%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ước đạt 75%; tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh ước đạt trên 95%. Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, thiết lập các khu bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Để thực hiện đạt các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; làm rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân: Giải quyết ô nhiễm môi trường đối với Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre và khẩn trương chuẩn bị phương án dự phòng tiếp nhận rác thải của tỉnh trường hợp đóng cửa nhà máy xử lý rác do ô nhiễm, không còn khả năng tiếp nhận xử lý rác. Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác các huyện, xóa bỏ bãi rác ở các xã, các điểm đen về rác thải. Giải quyết ô nhiễm môi trường do sản xuất than hoạt tính từ gáo dừa trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường giải quyết vấn đề ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời giao nhiệm vụ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh cơ sở chăn nuôi mới gây ô nhiễm môi trường. Tranh thủ các nguồn tài chính đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Bến Tre giải quyết ô nhiễm môi trường các kênh, rạch trong nội ô đô thị.
Thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa: hạn chế sử dụng đồ dùng bằng nhựa, túi nilông một lần thải bỏ; tăng cường tái chế, tái sử dụng nhựa (phân loại thu gom phế liệu) thay thế đồ dùng bằng nhựa bằng đồ dùng thân thiện môi trường, túi nilông dễ phân hủy sinh học; kiểm soát rác thải nhựa đại dương.
Tiếp tục tăng cường quản lý rác thải nguy hại trong hoạt động sản xuất, bao bì vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và tiến đến thu gom, xử lý rác thải nguy hại trong hộ gia đình; xem xét phân bổ nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp lý đầu tư các lò đốt rác, hệ thống xử lý nước thải đã hư hỏng cho các cơ sở y tế công lập, đảm bảo duy trì 100% rác thải y tế nguy hại được xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Từng bước đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn: tăng cường tái chế, hạn chế thải bỏ chất thải ra môi trường; tiết kiệm, tái sử dụng nước trong sản xuất; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch (điện gió, mặt trời); sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường; phát triển du lịch xanh, du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường.
Triển khai Đề án Bến Tre xanh để nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân về bảo vệ môi trường thông qua đời sống sinh hoạt hằng ngày; kiểm soát hành vi hộ gia đình, cá nhân vứt rác, xả nước thải và sử dụng chất cấm gây hại môi trường. Thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường (tuần lễ môi trường; thứ bảy, chủ nhật xanh); trồng và bảo vệ cây xanh phân tán, bảo vệ hệ sinh thái và bảo vệ rừng.
Diễm Phúc (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
