Bài học về tuyên truyền qua câu chuyện “Cái gậy và con gà” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
13/11/2023
Cách đây gần 70 năm, trong tờ Báo Nhân dân, số 232, từ ngày 27 đến ngày 28-9-1954, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bài học vô cùng quý báu về phương pháp tuyên truyền cho toàn Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với những người làm công tác tuyên truyền; Bác viết:
“Tuyên truyền có nhiều cách, mà cách tốt nhất là tuyên truyền bằng việc làm. Vài thí dụ: - J. là một lính Pháp bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ. Khi giải đi qua xóm A, thấy y đi nhúc nhắc, một bà cụ Mán cho y một cái gậy tre và nói: “2 con trai của tôi bị Tây bắn chết, nhưng tôi không ghét tù binh, vì Cụ Hồ bảo như vậy”. J. cảm động ứa nước mắt. Từ đó, J. giữ gìn cái gậy như một thứ của quý, ngày ngày lau chùi nó sáng bóng. Được tha ở Việt Trì, J. đưa cái gậy khoe với đồng bào ta và nói: “Gậy này là mẹ tôi cho tôi” và nhắc lại chuyện bà cụ Mán. Rồi J. kết luận: “Tôi thề từ nay sẽ không bao giờ đi đánh nhau với người Việt Nam nữa”. - N. là một người viết báo Pháp, rất phản động, cũng bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ. Khi được tha về, N. cùng đi xe hơi với tù binh khác. Xe đi qua phố X, gặp một con gà đang ăn giữa đường, bóp còi đuổi mãi gà không chịu chạy. Đồng chí lái xe xuống xe, đuổi gà chạy khỏi đường, rồi mới lái xe chạy. Thấy vậy, N. bảo những bạn tù binh: “Bộ đội Pháp và bộ đội Bảo Đại không bao giờ có cử chỉ như vậy. Người tránh không kịp, họ cũng cứ cho xe chạy bừa đi, huống gì là một con gà! Bộ đội Việt Nam thương dân, tôn trọng của dân, vì vậy mà dân Việt Nam thương bộ đội và giúp bộ đội đánh thắng luôn. Trước kia, tôi không hiểu, tôi khinh người Việt Nam, từ ngày thấy rõ sự thật, tôi rất phục người Việt Nam”.
Vì cử chỉ tốt đẹp mà bà cụ Mán và đồng chí lái xe (dù không cố ý) đã làm tuyên truyền quốc tế và đã thu được kết quả tốt. Việc đó dạy chúng ta rằng: Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là một người tuyên truyền, làm cho thế giới kính trọng dân tộc ta”.
C.B.
Báo Nhân dân, số 232, từ ngày 27 đến ngày 28-9-1954.
Bài viết ngắn gọn, súc tích chỉ với 373 từ đã góp phần khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và là bậc thầy trong công tác tuyên truyền với nhiều phương pháp tuyên truyền độc đáo, sáng tạo; trong đó, Người chú trọng phương pháp nêu gương và bài viết “Cái gậy và con gà” là một minh chứng cụ thể.
Mở đầu bài viết, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tuyên truyền có nhiều cách, cách tốt nhất là tuyên truyền bằng việc làm. Người đã ví dụ rất sinh động bằng 02 việc làm - 02 cử chỉ tốt đẹp, diễn ra (không cố ý), rất tự nhiên, vốn dĩ ăn sâu vào tư tưởng của 02 chủ thể là bà cụ Mán và đồng chí lái xe và được bộc lộ ra bên ngoài bằng hành động cụ thể, không màu mè, giả tạo, phô trương. Việc làm tưởng như bình thường đó từ những con người rất đỗi đời thường đã chứa đựng cốt cách của dân tộc Việt Nam, truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn, yêu chuộng hòa bình, gát lại quá khứ, hướng tới tương lai,… Chính vì vậy, sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ, vượt qua khỏi phạm vi xóm làng, tỉnh lị, quốc gia, vươn ra quốc tế, nâng vị thế Việt Nam và có sức cảm hóa vô cùng mạnh mẽ. Qua hai câu chuyện của hai nhân vật đời thường nhưng mang tính điển hình sâu sắc, đại diện cho vô số những người dân Việt Nam bình dị, nhân ái làm lay động lòng người và mang ý nghĩa truyền thông rất lớn. Bài viết ngắn ngọn, xúc tích, giản dị và rất “có duyên” là điển hình phương pháp tuyên truyền độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp tuyên truyền bằng những tấm gương.
Trong những ngày đầu làm cách mạng, lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Lênin: Một trong những phương pháp tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất đó là sử dụng những tấm gương trong thực tiễn, nhất là những tấm gương điển hình tiên tiến giúp nhân dân nhanh chóng hiểu rõ nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt cần thực hiện, trách nhiệm của bản thân và đặc biệt chú trọng tuyên truyền “tấm gương cách mạng Nga”. Người đã khéo léo kết hợp giáo dục nội dung các Học thuyết và tuyên truyền chế độ xã hội chủ nghĩa ở Nga, chỉ rõ tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và khẳng định lựa chọn con đường cách mạng vô sản, xây dựng một xã hội mà ở đó không có áp bức, bóc lột, bất công; nơi mà quyền lợi thuộc về đại đa số nhân dân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tích cực sử dụng gương người tốt việc tốt để tuyên truyền, giáo dục quần chúng. Người dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”; “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng gương người thật, việc thật để tuyên truyền và xác định tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất là tuyên truyền bằng sự thật. Hiểu thế nào cho đúng tuyên truyền bằng sự thật? Theo Người, tuyên truyền bằng sự thật là phải nói rõ sự thật, nói đúng sự thật, không được tô hồng cũng không được bôi đen và phải tuyên truyền bằng người thật, việc thật. Tuy nhiên sự thật trong tuyên truyền phải đặt trong mối quan hệ với lợi ích giai cấp, thông tin về sự thật đến mức nào là vừa, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, sự thật đó có lợi hay có hại cho cách mạng, lợi ích cá nhân, lợi ích bộ phận phải phục tùng lợi ích toàn Đảng, toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ tuyên truyền: Có thế nào nói thế ấy, bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực vì có nói sự thực thì việc tuyên truyền mới đạt hiệu quả.
Sinh thời, trong khoảng thời gian 10 năm (giai đoạn 1959 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh sưu tầm hơn 4.000 gương người tốt việc tốt, dán đầy 18 quyển vở kết hợp khen thưởng, biểu dương và quan tâm chỉ đạo xuất bản sách Người tốt, việc tốt. Người khẳng định: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả… Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Người còn hướng dẫn cụ thể cách viết: “Về loại sách này, các chú không nên tham viết dài. Nhân dân ta có truyền thống kể chuyện ngắn gọn mà lại có duyên. Các chú phải học cách kể chuyện của nhân dân”. Đồng thời Người luôn nghiêm khắc tu dưỡng, rèn luyện bản thân làm gương cho mọi người noi theo trên mọi góc độ, khía cạnh, trong suốt cả cuộc đời.
Trong giai đoạn hiện nay, học tập phương pháp tuyên truyền Hồ Chí Minh, đặc biệt là phương pháp nêu gương cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu trong việc tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày, nhất là tập thể cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với vai trò là chủ thể tuyên truyền, quan tâm nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nhận thức, rèn luyện kỹ năng, chú trọng lời nói đi đôi với việc làm để công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả, thiết thực.
Thứ hai, tập trung tuyên truyền, lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, toàn tỉnh có hơn 4.000 gương điển hình được biểu dương, khen thưởng, trong đó, 02 tập thể và 04 cá nhân được nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 02 tập thể và 04 cá nhân được nhận bằng khen Ban Tuyên giáo Trung ương; 04 tập thể và 05 cá nhân được nhận bằng khen Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các cấp ủy đã khen 826 gương điển hình và cấp cơ sở đã khen 3.230 gương điển hình; đây là cơ sở lựa chọn “điển hình” trong “điển hình” để xuất bản sách, tuyên truyền trực tiếp trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân thông các cuộc họp chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, phát thanh, truyền hình, họp tổ nhân dân tự quản; thông qua các nhóm zalo, facebook… với các mô hình mỗi ngày 1 việc tốt, mỗi ngày 1 điều hay vừa góp phần lan tỏa những giá trị tích cực vừa góp phần quan trọng trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” theo tinh thần Chỉ thị 01-CT/TU, ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động Phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong tuyên truyền, tổ chức phong trào, tập trung phương thức xây dựng “điển hình”, học tập “điển hình”, bắt kịp “điển hình”, vượt qua “điển hình” để phong trào thi đua lan tỏa, hiệu quả, thiết thực, rộng khắp. Trong đó chú trọng cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nội dung “hai chân”, “ba mũi” cụ thể, sát thực tế cơ quan, đơn vị, cá nhân gắn với biểu dương, khen thưởng.
Thứ tư, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong công tác tuyên truyền, nhất là trên không gian mạng xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam có trên 800 mạng xã hội khác nhau, nhất là Zalo, Facebook, You tube, Tiktok… với những tác động tích cực lẫn tiêu cực; thêm vào đó là sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch nên cần quan tâm nâng cao nhận thức, định hướng cán bộ, đảng viên, nhân dân, một lực lượng vô cùng hùng hậu lan tỏa những thông tin tích cực, đưa Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính Trị vào cuộc sống.
Phương pháp tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là phương pháp nêu gương đã mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền. Đây là kết quả được đút kết qua hàng loạt bài nói, bài viết của Người. Mỗi bài viết mang một màu sắc độc đáo riêng, bài viết “Cái gậy và con gà” đã mang lại một bài học quý cho người làm công tác tuyên truyền: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Quán triệt sâu sắc quan điểm Người, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo phương pháp tuyên truyền của Bác góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của phần tử xấu, các thế lực thù địch để ngày càng nâng cao hiệu quả công tác tuyên tuyền trong tình hình mới.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.9, tr.62-63.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.15, tr.672.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.15, tr.669.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.15, tr.665.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.15, tr.667.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.1, tr.284.
Nguyễn Phước Tuân (Trường Chính trị Bến Tre)
