Ba Tri kỷ niệm 231 năm ngày mất nhà giáo Võ Trường Toản
27/07/2023
Ngày 26/7/2023, Ủy ban nhân dân (UBND) xã Bảo Thạnh phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin, Bảo tàng tỉnh tổ chức Lễ Dâng hương nhân kỷ niệm 231 năm ngày mất Nhà giáo Võ Trường Toản. Đến dự có ông Nguyễn Quang Trị, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh; bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; ông Bùi Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; ông Võ Văn Phê, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ba Tri; ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cùng lãnh đạo ban ngành, đoàn thể huyện, đại diện Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông mang tên Võ Trường Toản trong và ngoài tỉnh, đại diện Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện và đông đảo nhân dân, học sinh xã Bảo Thạnh.
Đại biểu thắp hương Đền thờ cụ Võ Trường Toản
Nhà giáo Võ Trường Toản mất ngày mùng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý tức ngày 27/7/1792. Cụ là một nhà nho lớn, một nhà giáo tài ba, lỗi lạc ở miền Nam Việt Nam trong thế kỷ 18. Thế nhưng thân thế và quê hương của Cụ đến nay vẫn chưa có tư liệu nào ghi chép lại, chỉ biết Cụ kết duyên với người vợ hiền thục và sinh được một người con gái nhưng bị bệnh mất từ thuở nhỏ. Cụ Võ Trường Toản là người học rộng tài cao, thông đạt kim cổ, theo đạo thánh hiền, sở học của Cụ đạt tới bậc dày dặn, uyên thâm. Cụ có chí hướng thanh cao, lúc trong nước nội chiến Cụ lánh ẩn về quê mở trường dạy học. Học trò của Cụ có đến hàng trăm người.
Trong cuộc đời làm nghề thầy giáo, Cụ đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Phan Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhân Tĩnh… Là nhà nho nhưng Cụ không rơi vào lối dạy giáo điều mà Cụ chủ trương lấy lối học học nghĩa lý để giáo hóa. Tấm gương thanh cao và công đức mở mang huấn dục của Cụ Võ Trường Toản có sức ảnh hưởng sâu sắc đến các sĩ phu yêu nước và nhân dân Nam bộ lúc bấy giờ. Năm Nhâm Tý 1792, Cụ đã qua đời tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Dù không ra làm quan, nhưng khi Cụ mất các Vua nhà Nguyễn hết lòng kính phục và ban tặng danh hiệu cao quí là “Gia Định Xử sĩ sùng đức Võ Tiên sinh”, cho lập mộ và nhà thờ để hương khói. Đến khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay thực dân Pháp, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản cùng đốc học Vĩnh Long - Nguyễn Thông và Hiệp Trấn An Giang là Phạm Hữu Chánh đã cải táng hài cốt cụ cùng vợ con về an táng tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri đến nay.
Ngày 24/01/1998, Khu di tích được Bộ Văn hoá-Thông tin ra quyết định công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia và được trùng tu khang trang sạch đẹp, phục vụ Nhân dân cả nước đến thăm viếng hàng năm.
Tại lễ viếng, lãnh đạo tỉnh, huyện và đại biểu dâng hương tưởng niệm, thể hiện lòng thành kính sâu sắc đến công đức cao dày của cụ Võ Trường Toản.
Cũng tại buổi lễ, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Chí Hòa Thành phố Hồ Chí Minh tặng 10 suất học bổng, mỗi suất 600.000 đồng cùng 4.100 quyển tập; Trường trung học phổ thông Võ Trường Toản Thành phố Hồ Chí Minh tặng 10 suất học bổng cho các em học sinh xã Bảo Thạnh, mỗi suất 500.000 đồng.
Trần Xiện
