Xây dựng người cán bộ có phẩm chất “6 dám” và “Dám hy sinh lợi ích cá nhân…” là góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
18/07/2023
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ là những người lo trước thiên hạ, mà còn phải khổ trước thiên hạ, còn phải “dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Nhân dân, của Tổ quốc và của Đảng”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu lên nội dung rất mới về xây dựng cán bộ “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Gần đây, tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 03/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã phân tích và nhấn mạnh phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Có thể thấy, các nội dung “6 dám” của cán bộ nói chung, hay “7 dám” đối với cán bộ quân đội đều có cùng nội dung, ý nghĩa. Đó chính là biểu hiện văn hóa lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, là một chỉnh thể nhân cách của những người năng động, dũng cảm, sáng tạo vì lợi ích chung, là những tiêu chí, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Đó là sự đúc kết, khái quát sâu sắc về lý luận và thực tiễn, là “kim chỉ nam”, phương châm hành động trong xây dựng đội ngũ cán bộ, là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.
Nội dung, ý nghĩa “6 dám” của người cán bộ
“Dám nghĩ” là suy nghĩ tích cực để có sáng kiến mới, những ý tưởng mới, độc đáo, đột phá, tạo nên sự thay đổi về cách làm, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của cơ quan, tổ chức, tập thể; nó có ảnh hưởng, tác động tích cực đến nhiều người. Dám nghĩ là biểu hiện của năng lực tư duy, tầm nhìn sâu rộng với mục tiêu hướng đến lợi ích chung, thể hiện được cái tâm, cái tầm, cái trí của cán bộ. Dám nghĩ là phẩm chất đầu tiên làm cơ sở cho các hành động tiếp theo để hiện thực hóa ý tưởng trong thực tiễn. Đối lập với “dám nghĩ” là sự suy nghĩ viễn vông, phi thực tế, hay chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân hoặc của một nhóm người.
“Dám nói” là thể hiện chính kiến, quan điểm, thái độ dứt khoát của mình trước sự đúng sai, tốt xấu của một người, một việc; thể hiện được dũng khí, tính cương trực, thẳng thắn, công tâm khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề, một sự việc nào đó của cán bộ, trên cơ sở những điều “dám nghĩ” tích cực. “Dám nói” phải nói đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng người cần nghe; nói trên tinh thần xây dựng, nói để phản biện xã hội, để đạt được cái thống nhất chứ không phải đụng đâu nói đó, nói một cách tùy tiện, nói để thỏa mãn cái tôi.
Đối lập với “dám nói” là sợ sệt, e dè, ngại đụng chạm, là “dĩ hòa vi quý” để giữ hòa khí, dễ ngả nghiêng, dao động, “gió chiều nào theo chiều ấy” cho an toàn. Đó là biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, ích kỷ.
“Dám làm” là thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, là thước đo bản lĩnh, năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, là sự dấn thân, quyết liệt, quyết tâm của một người để biến ý tưởng thành hành động nhằm đạt được những mục tiêu đề ra vì lợi ích chung, vì sự phát triển của tập thể, của xã hội. “Dám làm” là phải làm đúng, làm đủ và hoàn thành nhiệm vụ được giao trên cơ sở khoa học, có sự tư duy tích cực, có cách làm phù hợp với thực tế.
Dám làm không có nghĩa là làm liều, làm trái pháp luật, cố tình vi phạm pháp luật; hoặc làm ẩu, qua loa đại khái, chỉ cốt cho xong, không chú ý đến kết quả, làm để đối phó với cấp trên, làm chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
“Dám chịu trách nhiệm” bao gồm hai yếu tố: (i) nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy; (ii) dám chịu trách nhiệm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Đây chính là bản lĩnh chính trị của cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo. “Dám chịu trách nhiệm” còn là dám tiếp nhận phê bình, đóng góp từ tập thể, kể cả từ cấp dưới để điều chỉnh, bổ sung biện pháp lãnh đạo, điều hành phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Trong tình hình hiện nay, “Dám chịu trách nhiệm” còn là năng lực “dám từ chối”, “dám nói không” với tiêu cực.
“Dám đổi mới, sáng tạo” là dám vận dụng những ý tưởng mới, sáng kiến mới vào thực tiễn để tạo nên những thay đổi mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực về vật chất, tinh thần, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tập thể, tổ chức và toàn xã hội. Đó là sự đánh giá năng lực tổng hợp nền tảng tri thức khoa học với bản lĩnh chính trị tư tưởng của cán bộ. Đổi mới và sáng tạo là xu thế tất yếu khách quan của sự phát triển. Cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững chắc, nắm chắc xu thế phát triển sẽ mạnh dạn “dám đổi mới, sáng tạo”.
“Dám đổi mới, sáng tạo” còn có thể hiểu là dám đổi mới về cách nghĩ, cách làm, dám thay đổi tư duy bảo thủ, tiêu cực; dám sáng tạo là cách thức vận dụng tri thức mới ứng dụng vào quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”: là phẩm chất cấu thành bởi bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.
Bản lĩnh là khả năng đương đầu với khó khăn, giải quyết những vấn đề mới, những thách thức mới của cuộc sống, của công việc một cách bình tĩnh, sáng suốt. Bản lĩnh còn là lòng dũng cảm, kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân, có chính kiến riêng. Nghị lực là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước khó khăn, thử thách. Quyết tâm chính trị là ý chí thực hiện cho kỳ được mục tiêu mà tập thể, cơ quan, tổ chức đã đặt ra. Đạo đức cách mạng là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, là đức tính “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
Một cán bộ “dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động” khi có đủ bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị cao và đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng kiên trì, sự dũng cảm, kiên quyết trong hành động để thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra.
Ngoài phẩm chất “6 dám”, cần phải “Dám hy sinh lợi ích cá nhân…”
Nếu không có phẩm chất “6 dám” ở mỗi cán bộ, đảng viên thì đất nước không thể phát triển nhanh, bền vững, kịp hội nhập với dòng chảy phát triển của thế giới. Hơn lúc nào hết, cuộc sống thực tại đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải mạnh dạn phát huy phẩm chất “6 dám” trong mọi công việc trên cương vị mà Đảng, Nhà nước phân công. Đồng thời, cũng đòi hỏi Đảng, Nhà nước kịp thời có chủ trương, chính sách, cơ chế khuyến khích, bảo vệ để tạo điều kiện cho phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên thật sự hình thành và phát triển rộng khắp.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: cán bộ, đảng viên của Đảng không chỉ là những người lo trước thiên hạ, mà còn phải khổ trước thiên hạ, còn phải dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Nhân dân, của Tổ quốc và của Đảng.
Dám hy sinh lợi ích cá nhân là đòi hỏi cán bộ phải tự giác gác lại những nhu cầu, ham muốn cá nhân ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, lợi ích chung; nghiêm khắc với bản thân, với gia đình, không bị mê hoặc bởi tiền tài danh vọng và những cám dỗ tầm thường. Dám hy sinh lợi ích cá nhân còn có nghĩa là sẵn sàng, tự giác chấp nhận phần thiệt thòi về mình, không lợi dụng quyền lực, chức trách được giao hoặc nhắm mắt làm ngơ để vợ con thu vén, trục lợi, làm tổn hại đến lợi ích chung và hậu quả là thân bại, danh liệt, để tiếng xấu muôn đời.
Dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước chính là phẩm chất tận trung với nước, tận hiếu với dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, làm khuôn thước để bản thân tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác. Đó còn là uy tín, thanh danh của Đảng và của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên.
Trong thời buổi hiện nay, có bao người “Dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung”. Biết bao cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước đã “ngã ngựa giữa đường”, phải vào tù, mang tội, phải chấm dứt con đường sự nghiệp của mình cũng chỉ vì đặt lợi ích cá nhân, gia đình lên trên lợi ích chung. Vì vậy thiết tưởng cần phải đặt tiêu chí này cùng với “6 dám” để đảng viên phấn đấu toàn diện hơn.
Sáng ngày 24/5/2023, đồng chí Lê Đức Thọ, UVBCHTW, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc với Ban TCTU để nghe báo cáo về thực trạng công tác cán bộ trong thời gian qua; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tình hình và kết quả thực hiện những yêu cầu mới về công tác tổ chức, cán bộ
Đôi lời kết
Hiện nay, nếu mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bến Tre, thực sự “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”; nếu mỗi đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu “quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn”; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ bài bản, chặt chẽ, khoa học hơn, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả” thì chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đẩy mạnh công cuộc thi đua Đồng khởi mới, tạo động lực mới thúc đẩy tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Thiết nghĩ phẩm chất 6 dám của cán bộ: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” cùng với “Dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc và của Đảng” là những phẩm chất cần và đủ, có quan hệ chặt chẽ với nhau, là một chỉnh thể thống nhất trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta nói chung, cũng như của toàn Đảng bộ Bến Tre hiện nay./.
Trần Ngọc Hải
