Thành phố Bến Tre nhiều kết quả nổi bật qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X)

06/02/2023

Là trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa của tỉnh, thời gian qua, bên cạnh việc tập trung quyết liệt các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư nâng cấp hoàn thiện hạ tầng đô thị gắn phát triển kinh tế xã hội, thành phố Bến Tre còn đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật, mục tiêu không chỉ nâng cao thu nhập, mức sống mà còn nâng cao chất lượng sống, hưởng thụ văn hóa, giúp người dân phát triển toàn diện. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng kịp thời và tạo nhiều điều kiện của cấp ủy, chính quyền. Trong các chương trình, các tác phẩm luôn thể hiện tính Đảng, tính quần chúng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp xu thế phát triển xã hội và nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.

Hoạt động văn học, nghệ thuật quần chúng phát triển góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân

 

Nhiều kết quả đạt được

 

Trong lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật, hầu hết các tác phẩm văn học nghệ thuật vẫn tiếp tục dòng mạch chính là “Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”, nội dung các tác phẩm tập trung vào phục vụ nhiệm vụ chính trị và ca ngợi con người, công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển thành phố Bến Tre. Cụ thể về hoạt động sáng tác (tân nhạc và cổ nhạc), thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác tân, cổ nhạc về thành phố Bến Tre. Qua cuộc thi đã có nhiều tác phẩm chất lượng được trao giải. Các tác phẩm này được sử dụng, trình diễn ở nhiều chương trình, hội thi văn nghệ quần chúng và được đông đảo Nhân dân đón nhận.

 

Hoạt động nhiếp ảnh không ngừng phát triển, thành phố Bến Tre hiện có Câu lạc bộ nhiếp ảnh với 30 thành viên. Hàng năm, Câu lạc bộ phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh tổ chức hội thi “Ảnh nghệ thuật” với chủ đề “Đất nước, con người thành phố Bến Tre”, “Du lịch - Đô thị thành phố Bến Tre”; tham gia các hoạt động triển lãm nhân các sự kiện quan trọng của đất nước và của địa phương như thành tựu về kinh kế - xã hội, đại hội Đảng, Tết cổ truyền của dân tộc… Ngoài ra, Câu lạc bộ còn tổ chức nhiều đợt đi thực tế cho hội viên sáng tạo tác phẩm để tham gia thi ảnh nghệ thuật tỉnh Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn quốc, đã có những giải thưởng cao.

 

Đồng thời, hoat động văn học có bước đổi mới, Chi hội Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu thành phố Bến Tre thường xuyên tham gia viết báo cho các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh. Sáng tác thơ, văn xuôi đăng trên các tạp chí trong và ngoài tỉnh, thường xuyên cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, Bản tin Xuân thành phố Bến Tre… Hội viên cũng tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác thơ, văn do Trung ương, tỉnh ngoài và khu vực Đồng bằng song Cửu Long tổ chức và đạt một số giải cao.

 

Không chỉ chú trọng phát triển hoạt động sáng tác, quảng bá, biểu diễn các tác phẩm văn học – nghệ thuật, phong trào xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng cũng được quan tâm. Nhiều loại hình hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, góp phần giáo dục truyền thống và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho Nhân dân, thông qua các hoạt động lễ hội phong phú như: Kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng Khởi 17/1, Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ngày Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9… Các hoạt động văn hóa nghệ thuật không ngừng được đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên. Từ năm 2008 đến nay, có trên 788 lượt biểu diễn văn nghệ ở cơ sở. Hằng năm, thư viện phục vụ, tuyên truyền khoảng 3.200 lượt bạn đọc, phục vụ khoảng 5.486 lượt báo, tạp chí về văn hóa, thông tin, về pháp luật…, tính đến nay, toàn thành phố có 14/14 tủ sách pháp luật, 04 tủ sách văn hóa gia đình tại các ấp, khu phố văn hóa, 06 bưu điện văn hóa. Ngoài ra, các xã, phường còn thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức các giải Liên hoan như: Gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã, phường văn hoá để các đơn vị xã, phường tham gia giao lưu học hỏi kinh nghiệm, góp phần phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng đến cơ sở.

 

Song song đó, thành phố dành nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ văn hóa nghệ thuật, việc đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh thành phố, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp/khu phố; mua sắm hệ thống âm thanh và sân khấu di dộng mới là một trong những điều kiện tốt để phát tiển phong trào văn hóa, văn nghệ của thành phố Bến Tre. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng cấp xã được thành lập và hoạt động đúng mục đích. Hàng năm các Câu lạc bộ lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở cấp xã/phường đều có phát triển, hiện có khoảng 20 Câu lạc bộ. Các Câu lạc bộ đã đi vào hoạt động nề nếp, tập hợp nhiều đội ngũ văn nghệ sĩ, đây là lực lượng nồng cốt, tiên phong và là chủ thể quan trọng tạo ra nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng.

 

Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển toàn diện lĩnh vực văn học – nghệ thuật

 

Với mục tiêu xây dựng thành phố Bến Tre trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào trước năm 2030, thời gian tới song hành với tập trung huy động các nguồn lực nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, thành phố Bến Tre tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/8/2008 của bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Theo đó, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo đối với công tác phát triển văn học nghệ thuật, quản lý các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, biểu diễn, đảm bảo đúng định hướng, chống các quan điểm, luận điệu sai trái, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch thông qua các hoạt động nghệ thuật; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian.

 

Chú trọng xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm trở thành lực lượng kế cận, nòng cốt, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật địa phương trong tương lai. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, triển lãm để giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật địa phương; khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật gắn liền với nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giới thiệu các gương điển hình, vượt khó và ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, quan tâm dành nguồn lực, cơ chế phù hợp để đầu tư kinh phí, thu hút nguồn lực của doanh nghiệp, tư nhân đầu tư để xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở vật chất văn hóa và phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật, đáp ứng ngày càng cao và đa dạng nhu cầu hưởng thu văn hóa người dân.

 

Hồng Quốc