Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới

30/11/2022

Trong những năm qua, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre từng bước được cải thiện; hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị phát triển mạnh, đặc biệt là sau khi xây dựng cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên,... Bến Tre đã thoát khỏi thế biệt lập, mở rộng thông thương với các tỉnh trong khu vực; các khu, cụm công nghiệp hình thành và phát triển đã thu hút số lượng lớn lao động từ nhiều địa phương khác đến sinh sống, làm việc,... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tình hình tội phạm và các tai, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, phức tạp hơn. Trước tình hình trên, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là rất cần thiết, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.

Mô hình camera an ninh ở xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre.

Sau khi tiếp thu Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới (Kết luận số 44-KL/TWcủa Ban Bí thư); Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 158-KH/TU, ngày 20/3/2019 về thực hiện Kết luận số 44-KL/TW của Ban Bí thư, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Chỉ đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; đồng thời, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững ổn định, lực lượng công an các cấp tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, bài trừ các tai, tệ nạn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Người dân an tâm lao động, sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, nhất là vùng nông thôn. Các phong trào hành động cách mạng do Trung ương và địa phương phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”,... luôn được Nhân dân tích cực tham gia và đạt kết quả cao.

 

Các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các đơn vị, địa phương không ngừng đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, công nhân và Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, bài trừ các tai, tệ nạn xã hội; nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải. Từ năm 2019 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trên 80.000 cuộc, có hơn 900.000 lượt người tham dự; phát hành hơn 60.000 tờ bướm kêu gọi Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tuyên truyền các quy định trên lĩnh vực giao thông, phòng cháy, chữa cháy, tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm…  Xây dựng gần 600 tin, bài, phóng sự truyền hình phản ánh phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân cảnh giác; trưng bày nhiều pa nô, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tai nạn giao thông, chủ quyền quốc gia, truyền thống dân tộc, kỷ niệm các ngày lễ lớn, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; tổ chức cho Nhân dân viết bản cam kết xây dựng hộ gia đình an toàn về an ninh, trật tự.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá sát, đúng tình hình, kết quả đạt được để rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, trước những vụ việc phức tạp gây bức xúc trong xã hội, những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp giải quyết ổn định, không để hình thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự.

 

Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng công an các cấp phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu Ban Chỉ đạo địa phương ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm. Tổ chức khảo sát, củng cố, nâng chất hoạt động, xây dựng nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế địa phương, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện ủy, thành ủy xây dựng mới nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, củng cố, nhân rộng các mô hình đang phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, thúc đẩy thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Công an tỉnh phối hợp hướng dẫn xây dựng, nhân rộng và nâng chất các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự. Toàn tỉnh hiện có 66 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy hiệu quả, được phổ biến, nhân rộng trên 178 địa bàn như mô hình “Tiếng loa an ninh”, “Camera an ninh”, “Tổ phòng, chống tội phạm trộm cắp, khai thác cát sông trái phép”, “Câu lạc bộ cơ sở kinh doanh lưu trú an toàn về ANTT”,… có 128 mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực ANTT; 101 mô hình “Dân vận khéo” trong lực lượng Công an cấp tỉnh và hàng trăm mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực ANTT cấp huyện, cấp xã, góp phần tích cực vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

 

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên phối hợp củng cố các tổ chức nòng cốt làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ có sức lan tỏa và phát huy hiệu quả tại cộng đồng dân cư: Mô hình Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp; Khu dân cư tự quản về môi trường; Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, nghĩa tình; Xóm đạo bình yên; Hộ tự phòng, tự quản. Phối hợp các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh xây dựng nhiều mô hình, điển hình, nhằm góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở; “Ấp an toàn về an ninh, trật tự”; “Vận động các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào có đạo tham gia tuyên truyền pháp luật ở khu dân cư”. “Xóm đạo bình yên”, “Họ đạo an toàn về an ninh, trật tự và an toàn giao thông”, “Treo ảnh Bác Hồ trong đồng bào có đạo”; duy trì và nhân rộng mô hình “Chức sắc các tôn giáo tuyên truyền phòng, chống tội phạm”.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tập trung, thống nhất, toàn diện. Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương duy trì tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân, xem đây là dịp để Nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh những kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng Công an các cấp; tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ và Nhân dân, huy động đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực các hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương.

 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Qua thực hiện các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở được quan tâm củng cố kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Nhìn chung, qua củng cố các tổ chức nòng cốt có duy trì hoạt động và chất lượng từng lúc được nâng lên, trong phân loại chất lượng hàng năm, tỷ lệ hoạt động mạnh, khá luôn ở mức cao.

 

Các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, bài trừ các tai, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

 

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa lực lượng công an với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có lúc, có nơi chưa sâu sát, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận Nhân dân còn sơ hở để tội phạm thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp, cướp giật, còn tâm lý lo sợ trong tố giác tội phạm; công tác phối hợp cảm hóa, giáo dục đối tượng ở địa bàn dân cư hiệu quả chưa cao, nhất là đối tượng cờ bạc, ma túy. Công tác phối hợp xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có lúc chưa kịp thời, hiệu quả hoạt động của một số mô hình chưa cao; tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn có lúc còn diễn biến phức tạp.

 

Thời gian tới, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

 

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

 

Lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các cấp, phát huy tối đa chức trách, nhiệm vụ của từng thành viên; bảo đảm Ban Chỉ đạo thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện  hiệu quả công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,...

 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phối hợp củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức nòng cốt làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, nhất là lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở: Hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự; Tổ nhân dân tự quản; Đội dân phòng; Bảo vệ dân phố; bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Diễm Phúc (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)