Tấm lòng thương binh Tám Ý với học trò nghèo

11/08/2022

Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thương binh ¼ Lê Văn Ý (Tám Ý, SN: 1940, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) để lại chiến trường nhiều phần thân thể sau hai lần bị thương. Về quê sinh sống, Tám Ý lo làm việc, phát triển kinh tế và tiếp tục giúp học trò nghèo đến trường. Nhiều người gọi ông là “Ông Bụt” khi giúp đỡ hàng chục học trò nghèo đến trường.

Thương binh Lê Văn Ý hơn 40 năm giúp đỡ học trò nghèo đến trường.

“Ông Bụt” của học trò nghèo

 

Năm 1960, ông Tám Ý tham gia kháng chiến chống Mỹ tại địa phương. Ông bị thương hai lần, lần đầu năm 1966 bị mất một cánh tay, một con mắt; lần thứ hai năm 1972 bị mất một chân. Bị thương, nhưng ông vẫn bám trụ lại chiến trường. Không cầm súng chiến đấu được, ông tham gia đội văn nghệ, tham gia sáng tác vọng cổ, thơ văn phục vụ đồng đội.

 

Sau ngày thống nhất đất nước với chứng nhận thương binh ¼, ông vẫn hăng hái tham gia sản xuất theo lời dạy của Bác: “Thương binh tàn, nhưng không phế”. Những năm 1980, vùng quê Phú Mỹ còn rất nghèo khó, nhiều cháu nhỏ bỏ học để phụ lo cho gia đình. Thấy vậy, ông bàn bạc với cha mẹ những học sinh này cho các cháu tiếp tục đi học. Ông Tám Ý kể lại: “Đầu tiên tôi giúp tám cháu học sinh nghèo tiếp tục đi học đứa nào cũng mừng vì rất ham học mà nhà nghèo quá. Sau đó, ba cháu đỗ đại học, có việc làm ổn định; năm cháu còn lại cũng tốt nghiệp cấp ba rồi đi làm ở nhà máy. Trong số này có cháu Nguyễn Văn Ẩn tốt nghiệp Đại học Bách Khoa (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau khi có việc làm ổn định cháu Ẩn cùng mẹ đến cám ơn rồi mong muốn trả lại số tiền tôi đã giúp đỡ. Tôi rất xúc động vì cháu đã học hành thành tài nhưng không nhận lại số tiền đó mà kêu mang về lo cho mấy đứa em tiếp tục đi học. Bây giờ mấy anh em Ẩn ai cũng có việc làm ổn định nên tôi rất vui”.

 

Sau đợt đó, ông tiếp tục lấy tiền hỗ trợ thương binh hàng tháng để lo cho nhiều thế hệ học sinh khác tiếp tục đi học. Trong đó Nguyễn Văn Tài đã lấy bằng Tiến sĩ, đang là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ. Ông Tám Ý cho biết: “Năm đó Tài đỗ đại học nhưng không có tiền đi học nên người mẹ đến gặp tôi xin giúp đỡ.Tôi dành dụm được chín chỉ vàng để giúp Tài đóng học phí, mua sách vở, dụng cụ học tập. Mấy năm sau, Tài cũng mang tiền lại trả, tôi không lấy mà kêu cứ mang sang Cần Thơ, khi nào có điều kiện hãy giúp các sinh viên nghèo khác”. Sau này, Tài được học bổng tiếp tục học lấy bằng Thạc sĩ rồi Tiến sĩ.

 

Hiện tại, ông đang đỡ đầu cho ba sinh viên nghèo đang theo học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, cháu Lê Quốc Bảo, SN: 2000 (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc) ông giúp từ những năm học Tiểu học. Biết gia đình Bảo khó khăn, năm nào ông cũng lo sách vở, quần áo, chi phí học tập để được đến trường như chúng bạn. Khi Bảo trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh văn (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) ông vẫn dành dùm từ tiền hỗ trợ thương binh để lo Bảo đi học. Hiện nay, Bảo đang học năm thứ tư và chuẩn bị ra trường. Bảo tâm sự: “Suốt những năm qua, em luôn cố gắng học hành để không phụ tấm lòng của ông đã giúp đỡ. Hiện nay, em chờ lãnh bằng và dạy thêm tiếng Anh để tự lo cho cuộc sống. Ra trường, em sẽ đi làm vài năm để kiếm tiền rồi sẽ học tiếp sau đại học như ước mơ từ nhỏ của mình”.

Sinh viên Lê Quốc Bảo về thăm ông Tám Ý trong dịp nghỉ hè.

Đến nay, ông đã giúp hàng chục học trò nghèo tiếp tục cắp sách đến trường. Nhiều thế hệ học sinh giờ đã đỗ đạt, có việc làm ổn định đều nhờ ông giúp đỡ. Trong đó có nhiều lãnh đạo tại các công ty, kỹ sư, giảng viên đại học, giáo viên… Ông cho biết: “Rất nhiều cháu sau khi có việc làm ổn định đều trở về cám ơn, mong muốn gửi lại số tiền tôi đã giúp đỡ nhưng tôi quyết không nhận mà kêu các cháu lấy số tiền đó về lo cho em mình tiếp tục đi học”.

 

Cống hiến cả cuộc đời cho xã hội

 

Với số tiền trợ cấp thương binh hàng tháng dư để cho ông sống nhưng ông vẫn lao động để tự lo cho mình. Năm 2005, ông tự dành dụm tiền mua phần đất ven sông rộng 300 m2 để sinh sống, trồng cây cảnh theo sở thích từ nhỏ của mình. Sau này, khi lớn tuổi không làm thuê, làm mướn được ông chăm sóc vườn cây cảnh gồm mai, nguyệt quế… xung quanh nhà.

Ông sống giản dị bên căn nhà tình nghĩa của mình.

Không chỉ giúp học trò nghèo, ông còn giúp đỡ nhiều gia đình khác bằng tất cả tấm lòng của mình. Cách đây 14 năm, biết ông Võ Văn Thiện (ngụ xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành) hành nghề đưa đò sang sông Hàm Luông mà chưa có bến cố định phía bờ xã Phú Mỹ (huyện Mỏ Cày Bắc), ông kêu lên gặp rồi cho sử dụng cái bến trước nhà miễn phí. Ông Thiện cho biết: “Lúc đó gia đình rất khó khăn nên khi ông Tám Ý kêu cho cái bến sát mé sông tôi rất mừng. Không chỉ nói miệng, ông còn dắt tôi lên Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ công chứng, có chữ ký của lãnh đạo xã để sau này lỡ ông chết tôi còn cái bến để mưu sinh. Nhờ có cái bến đò này mà tôi nuôi hai đứa con học đại học, giờ có việc làm ổn định. Gia đình tôi mang ơn ông suốt đời với cái nghĩa, cái tình mà ông đã giúp cho mình”. Những gia đình khác, ông cũng giúp đỡ hết lòng. Nhờ vậy, nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 

Trưởng ban Phong trào (Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bến Tre) Võ Ngươn Thành cho biết: “Mấy năm qua, phong trào thương binh làm thiện nguyện, hiến đất xây dựng nông thôn, thương binh giúp nhau phát triển kinh tế… ở địa phương phát triển rất mạnh. Trong đó, thương binh Lê Văn Ý là tấm gương điển hình trong việc giúp đỡ các học trò nghèo đến trường. Ông đã giúp hàng chục học sinh, sinh viên nghèo để giúp các em trở thành người có ích cho xã hội”.

 

Nhiều năm qua, ông vẫn sống trong căn nhà tình nghĩa nhỏ, đơn sơ không có tài sản gì quý giá ven sông Hàm Luông. Bây giờ đã ở tuổi 82, ông vẫn lắp chân giả ra vườn tỉa cây cảnh nho nhỏ trước nhà mình. Tài sản lớn nhất của ông là hàng chục học sinh nghèo được ông giúp đỡ năm nào cũng về thăm trong các dịp lễ, Tết. Ông cho biết: “Hồi đi kháng chiến, tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Phải diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt” nên rất có tâm huyết lo cho các cháu nhỏ được đến trường. Mình không có con cái nên lo cho chúng nó như những đứa con, đứa cháu của mình. Mấy năm nay, kinh tế phát triển, không còn cảnh những em học sinh nghèo phải bỏ học như trước đây. Bây giờ tôi chỉ còn lo cho ba cháu đang học đại học. Sau này, gia đình nào khó khăn tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ đến khi nào chết mới thôi”.

 

Những học trò nghèo ngày xưa được ông giúp đỡ giờ đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Cử nhân… nhưng ông rất khiêm tốn cho rằng mình chỉ giúp các cháu ở giai đoạn ban đầu chẳng bao nhiêu tiền, những tấm bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ hay kỹ sư đều do các cháu phấn đấu nhiều năm mới đạt được. Hơn 40 năm qua, ông như “Ông Bụt” giữa đời thường chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò nghèo tiếp tục đến trường. “Bạn bè chiến đấu của tôi người hy sinh, người bị thương, bản thân tôi may mắn còn sống trở về quê hương dù tỷ lệ thương tật trên 80%. Tôi làm như vậy không phải muốn nổi tiếng mà làm sao xứng đáng với những mất mát, hy sinh của đồng đội; làm sao xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn, nhưng không phế”. Giờ đây các cháu có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội, tôi chết cũng mãn nguyện rồi!” – Ông Tám Ý tâm sự.

Hoàng Trung